Nếu đã từng trải qua quá trình nuôi dưỡng trẻ nhỏ, bạn sẽ không hề xa lạ với khái niệm thực phẩm bổ sung DHA. Hầu hết các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng trước khi sinh đều được quảng cáo về một axit béo omega-3 được gọi là DHA. Nhưng ít người trong chúng ta biết, sự thật là, mặc dù trải qua hàng thập kỷ nghiên cứu, các bằng chứng về DHA trong sữa bột giúp tăng cường trí não ở trẻ là chưa rõ ràng. Và việc các bà mẹ phải bổ sung thêm DHA trong thời kỳ mang thai chưa hẳn là chỉ định cần thiết.
Vì sao DHA được bổ sung vào thực phẩm dinh dưỡng?
DHA có tên đầy đủ là Docosa Hexaenoic Acid, một acid béo thuộc nhóm omega-3. Ngoài ra, thuộc nhóm này còn có các tiền tố DHA, đó là acid béo alpha-linolenic (ALA) và eicosapentaenoic acid (EPA). Bên cạnh đó, còn phải kể đến acid béo không no omega-6 (arachidonic acid-AA). DHA là một chất rất quan trọng nhưng cơ thể lại không tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm.DHA cần thiết cho sự hoàn thiện hệ thần kinh, đặc biệt là phát triển hoàn thiện chức năng nhìn. Ở trẻ em, DHA có vai trò tăng cường trí thông minh. Ở người lớn, nó có tác dụng giảm triglyceride máu và cholesterol xấu, giúp dự phòng xơ vữa động mạnh, nhồi máu cơ tim. Trong thời kỳ mang thai và những năm đầu đời, DHA tích lũy trong não, võng mạc của mắt và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển thần kinh và thị lực. Sữa mẹ chứa DHA ở các nồng độ khác nhau, phụ thuộc vào lượng chất béo trong khẩu phần ăn của người mẹ. Một số chủng DHA cũng có thể được sản sinh ra trong cơ thể từ axit béo omega-3 tiền chất, mặc dù quá trình này có vẻ kém hiệu quả.
Nên bổ sung DHA từ nguồn thực phẩm.
Các nghiên cứu từ những năm 1990 cho thấy, sữa bột dành cho trẻ sơ sinh có mức DHA thấp hơn sữa mẹ và đã đề nghị bổ sung DHA vào sữa để cải thiện sự phát triển của nhận thức và thần kinh thị giác. Năm 2002, kết quả đã đủ thuyết phục để Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép bổ sung DHA vào sữa bột cho trẻ sơ sinh.Ngày nay, tất cả các nhãn hiệu sữa bột lớn được bán ở Mỹ đều có chứa DHA, thường ở dạng dầu tinh khiết có nguồn gốc từ tảo, một thành phần bổ sung làm tăng chi phí của sữa.
Thực chất về tác dụng của DHA
Một nghiên cứu của Tổ chức Cochrane Collaboration (một tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận nghiên cứu thông tin y học một cách có hệ thống với hơn 37.000 thành viên ở hơn 130 quốc gia) đã kết luận, chưa có một bằng chứng rõ ràng nào về việc bổ sung DHA, hay axit docosahexaenoic - chất dinh dưỡng chính được tìm thấy trong cá và dầu cá sẽ giúp cải thiện sự phát triển não bộ ở trẻ sơ sinh, nhưng cũng chưa tìm thấy nguy cơ gì trong việc bổ sung thêm chất dinh dưỡng này. Cơ quan Nghiên cứu và Chất lượng y tế của Hoa Kỳ khi xem xét các tác động của omega-3 trong thai kỳ và trẻ sơ sinh cho biết, tìm được ít bằng chứng về lợi ích của chất dinh dưỡng này.
GS.TS. Karen Simmer - chuyên khoa về y học trẻ sơ sinh tại Đại học Tây Úc và là tác giả của Tổng quan Cochrane chia sẻ: “Nếu ai đó nói rằng sữa bột bổ sung DHA làm cho con của bạn thông minh hơn hay có chỉ số IQ cao hơn thì đó không phải là lời tuyên bố đúng đắn”. Tổng quan Cochrane kết hợp dữ liệu từ 15 thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, trên gần 1.900 trẻ em, trong đó có nhiều trẻ được theo dõi từ khi mới sinh đến vài năm đầu đời. Khi kết quả được tổng hợp, không có xu hướng rõ ràng nào về lợi ích của DHA trong sữa bột.
Một số nghiên cứu khác tập trung vào dầu cá hoặc DHA được bổ sung trong thời kỳ mang thai, khi omega-3 được truyền qua nhau thai tới bào thai đang phát triển cho thấy, các chất bổ sung dường như làm tăng thời gian mang thai khoảng hai ngày và kết quả là trẻ sơ sinh nặng hơn một chút, nhưng điều này không có nghĩa là tỷ lệ sinh non sẽ giảm đi. Một vài nghiên cứu chỉ ra, khi bà mẹ bổ sung dầu cá hoặc omega-3 trong thời kỳ mang thai, con của họ ít có nguy cơ bị eczema, dị ứng thực phẩm hoặc hen suyễn ít nhất là trong một vài năm đầu đời, tuy nhiên, những nghiên cứu này cũng không nhất quán với nhau. Và như với sữa bột, các chất bổ sung DHA trước khi sinh dường như không làm cho trẻ thông minh hơn. Kết luận đó đã được khẳng định trong một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên gần đây được công bố bởi tạp chí JAMA, không tìm thấy tác dụng nào trong các chất bổ sung DHA trước khi sinh đối với IQ của trẻ khi lên 7.
Vì sao có sự nhầm lẫn về tác dụng của DHA?
Carol Haggans, một chuyên gia về chế độ ăn kiêng và là phát ngôn viên của Phòng Chế phẩm bổ sung quốc gia thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho biết: Sự nhầm lẫn này là phổ biến trong các nghiên cứu dinh dưỡng. DHA có một nền tảng lý thuyết tốt và các nhà nghiên cứu quan sát thấy rằng cá và các loại hải sản giàu DHA khác cũng có những lợi ích tương tự. Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu bổ sung DHA vào thực phẩm dinh dưỡng bổ sung và thử nghiệm nó trong các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, những lợi ích tương tự không hề được quan sát thấy.
Hơn nữa, mức DHA trong cơ thể của mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào lượng cá họ ăn và sự ảnh hưởng của biến đổi di truyền tới việc trao đổi chất của axit béo. GS.TS. Susan Carlson - chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm y tế Đại học Kansas (Mỹ) cho biết.
Việc bổ sung DHA là cần thiết khi chế độ ăn không đủ các thực phẩm giàu DHA và sau khi trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ của bạn.
DS. Nguyễn Hải Đăng
((Theo webmd.com, 5/2017))